Cách tạo sự cân bằng giữa mục tiêu cá nhân và mục tiêu chung trong nhóm

Trong quá trình làm việc nhóm, bạn rất dễ mắc vào mâu thuẫn giữa mục tiêu cá nhân và mục tiêu chung của đội nhóm. Mục tiêu chung của nhóm thường mang tính chiến lược, rộng lớn và dài hạn, yêu cầu mọi thành viên cố gắng đạt được cùng nhau và cùng hưởng thành quả dựa trên điều này. Trong khi đó, mục tiêu cá nhân thường mang tính độc lập hơn, thường có sự khác nhau trong mỗi thành viên và cũng hướng tới những quyền, lợi ích riêng. Dưới đây là những cách giúp tạo sự cân bằng giữa hai mục tiêu này:

1. Hiểu rõ mục tiêu của team

Mỗi doanh nghiệp, phòng ban, đội nhóm đều có danh sách những mục tiêu chung rõ ràng. Nhà quản lý sẽ phổ biến cho tất cả các thành viên để mọi người nắm bắt được mục tiêu chung của nhóm là gì, mỗi cá nhân cần phải làm gì. Đồng thời, trưởng nhóm cần lắng nghe và hiểu mong muốn cá nhân của từng thành viên trong nhóm, từ đó hỗ trợ họ để đạt được mục đích cá nhân mà không ảnh hưởng tới mục tiêu chung của cả nhóm.

2. Liên kết mục tiêu cá nhân với mục tiêu của team

Một trưởng nhóm và quản lý giỏi sẽ biết cách tìm ra điểm giao nhau giữa mục tiêu cá nhân của từng thành viên trong nhóm và mục tiêu chung. Chẳng hạn, một thành viên trong nhóm muốn phát triển kỹ năng giao tiếp hãy giao cho họ công việc như thuyết trình, trình bày dự án trước đội nhóm và khách hàng. Điều này vừa giúp họ phát triển kỹ năng cá nhân vừa đóng góp vào thành công của nhóm.

Liên kết này không chỉ tạo động lực cho từng thành viên mà còn giúp họ thấy rằng thành công của họ cũng chính là thành công của nhóm và ngược lại. Khi mỗi cá nhân nhận thấy rằng việc đạt được mong muốn cá nhân cũng góp phần vào thành công chung, họ sẽ cống hiến hết mình cho cả hai.

3. Khuyến khích sự phát triển cá nhân trong nhóm

Sự phát triển về chuyên môn của cá nhân và thành công của cả team có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trưởng nhóm cần tạo ra môi trường hỗ trợ, nơi mỗi thành viên đều có cơ hội học hỏi, thử thách bản thân và phát triển. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc cung cấp các khóa đào tạo, mentoring, hoặc thậm chí là giao thêm trách nhiệm để mỗi thành viên có thể học hỏi từ công việc thực tế.

Việc khuyến khích sự phát triển cá nhân không chỉ tạo động lực cho từng thành viên mà còn giúp nhóm trở nên mạnh mẽ hơn với những cá nhân giỏi giang và đa năng. Đồng thời, điều này giúp các thành viên không cảm thấy bị gò bó hoặc hy sinh quá nhiều mục tiêu cá nhân vì mục tiêu chung.

4. Ghi nhận đóng góp cá nhân và khen thưởng tinh thần đồng đội

Mỗi thành viên dù có đóng góp thành công hay chưa được thành công vẫn nên ghi nhận mọi nỗ lực của họ. Là một người quản lý, bạn không thể bắt nhân viên làm việc cật lực vì mục tiêu chung mà không cho họ những phần thưởng và khen ngợi xứng đáng.

Ngoài lương thưởng họ cần được lãnh đạo khen ngợi, công bố và đề cao thành tích họ đạt được. Khi họ thấy được bản thân họ được công nhận họ sẽ cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt được thành tích cao.

 5. Xây dựng tinh thần trách nhiệm tập thể

Một nhóm thành công là mọi người đều có trách nhiệm hoàn thành công việc theo mục tiêu chung của nhóm. Khi mỗi cá nhân chỉ tập trung vào mục đích cá nhân mà bỏ quên mục tiêu chung, sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng và xung đột. Vì vậy, việc xây dựng tinh thần trách nhiệm tập thể là vô cùng quan trọng.

Trưởng nhóm có thể thúc đẩy tinh thần này bằng cách tổ chức những cuộc họp định kỳ để mọi người chia sẻ về tiến độ công việc của mình, nêu ra những khó khăn mà mình đang gặp phải và nhận được sự hỗ trợ của những người đồng đội còn lại. Như vậy, công việc vừa được giải quyết mà còn tăng sự gắn kết của các thành viên.

Để cân bằng giữa hai mục tiêu này, người lãnh đạo phải thật sự khéo léo và biết cách sử dụng phương pháp quản trị phù hợp nhất. Một tổ chức thành công là một tổ chức có được sự đồng lòng và đoàn kết của mọi thành viên nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho mọi người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *